Hội thảo do Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế (CIED) - trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Xây dựng.
Tham gia hội thảo có 7 trường đại học thuộc top 13 cơ sở đào tạo hàng đầu Hàn Quốc về ngành công nghiệp gốc. Trường Đại học đào tạo nhân lực ngành công nghiệp gốc tại Hàn Quốc là cơ sở giáo dục được thành lập với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp gốc và nuôi dưỡng nguồn nhân lực làm nền tảng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
STT | Tên trường | Ngành trọng điểm | Địa điểm |
1 | Đại học Khoa học và Công nghệ Chosun | Khoa cơ khí | Dong-gu, Gwangju |
2 | Đại học Khoa học và Công nghệ Dongwon | Khoa máy móc và điện tử thông minh | Yangsan, tỉnh Yeongnam |
3 | Đại học Bucheon | Khoa Kinh doanh Dệt May Thời Trang | Bucheon, tỉnh Gyonggi |
4 | Đại học Seo Jeong | Khoa kỹ thuật công nghiệp toàn cầu | Yangju, tỉnh Gyonggi |
5 | Đại học Ajou Motor | Khoa Ô tô toàn cầu | Boryeong, tỉnh Chungnam |
6 | Đại học Yeungnam | Khoa máy móc tổng hợp thông minh | Nam-gu, Daegu |
7 | Đại học Kunjang | Khoa máy móc ô tô thông minh, Khoa gia công vật liệu mới | Gunsan, tỉnh Jeonbuk |
Đây là dịp học sinh, phụ huynh Việt Nam tìm hiểu về các chương trình đào tạo nhân lực nước ngoài ngành công nghiệp, điều kiện nhập học, quy mô tuyển dụng, chính sách học bổng, thông tin việc làm và tương lai làm việc tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lee Kyoung-Dock, Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định: “Bằng cách tạo cơ hội học hỏi các nền văn hóa và công nghệ khác nhau cũng như phát triển tư duy toàn cầu thông qua các chương trình trao đổi quốc tế chúng tôi hy vọng rằng sinh viên Việt Nam có thể thực hiện được ước mơ và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu”.
Ông Phan Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Giáo dục Quốc tế thuộc Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá, Việt Nam và Hàn Quốc đều coi trọng sự phát triển của ngành công nghiệp gốc, đặc biệt là việc đào tạo ra các các công nhân, kỹ thuật viên có tay nghề.
Theo đó, những năm gần đây, Hàn Quốc là một trong những nước thu hút số lượng lớn sinh viên Việt Nam đến học tập và nghiên cứu. Đặc biệt sau COVID-19, nhu cầu đi du học Hàn Quốc của sinh viên Việt Nam mỗi năm tăng trung bình khoảng 30 - 35%.
Đại diện Đại học Khoa học và Công nghệ Chosun, 1 trong 13 cơ sở top đầu về đào tạo ngành công nghệ gốc tại Hàn Quốc, GS. Jang Hyeon Jin, cho rằng học sinh Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để theo học các ngành công nghệ gốc cũng như cơ hội việc làm tại Hàn Quốc.
“Sau khi tốt nghiệp, du học sinh được đảm bảo đầu ra, có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp của Trung tâm Công nghiệp quốc gia của Hàn Quốc, với khoảng 8.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thuận lợi về đăng ký visa E7-4 dành cho lao động có tay nghề và chuyên môn cao khi làm việc trong ngành này”, bà Jang nói.